Bà bầu 3 tháng đầu cần lưu ý những gì?

Bà bầu 3 tháng đầu cần lưu ý những gì?

BÀ BẦU 3 THÁNG ĐẦU CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ?

Là phụ nữ khi bước vào tuổi trưởng thành thì ai cũng mong muốn một ngày nào đó mình được đón nhận vị trí thiên chức làm mẹ. Bên cạnh những tâm trạng vui mừng đó thì không thể tránh khỏi những nỗi lo lắng vì lần đầu tiên làm mẹ mình sẽ chăm sóc con ra sao? Chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé suốt thời gian thai kỳ như thế nào? Chế độ ăn uống, sinh hoạt có thay đổi so với lúc bình thường không?... rất rất nhiều câu hỏi luôn đặt ra cho chúng ta.

Để có một thai kỳ khỏe mạnh mà hầu hết bà bầu nào cũng mong muốn, đặc biệt là bà bầu 3 tháng đầu tiên khi bước vào giai đoạn đầu thai kỳ giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Đây là giai đoạn thai nhi bắt đầu được hình thành và cơ thể của bà bầu luôn có nhiều sự thay đổi để thích nghi. Vậy để có một sức khỏe tốt, nhẹ nhàng hơn thì bà bầu 3 tháng đầu cần lưu ý những gì để có một thai kỳ an toàn?

1. Bà bầu 3 tháng đầu cần nắm rõ lịch khám thai định kỳ

Đây là việc rất cần thiết để nắm rõ sự phát triển của thai nhi, đồng thời bà bầu cũng sẽ được tư vấn từ bác sĩ về chế độ dinh dưỡng, tiêm vắc xin để có một thai kỳ khỏe mạnh. Bà bầu 3 tháng đầu bắt buộc nhớ các thời điểm sau:

Từ tuần thứ 5-6: Ngay sau khi biết mình có thai dựa vào những dấu hiệu mang thai mà phụ nữ có thể nhận biết ngay tại nhà. Việc khám thai lần đầu tiên này cho biết kết quả chính xác là chắc chắn có thai hay không? Thai có làm tổ đúng vị trí hay không?

Bác sĩ tiến hành đo huyết áp, chiều cao, cân nặng, đo hàm lượng HCG, xét nghiệm máu, nước tiểu để xác định tuổi thai và dự kiến ngày sinh bé.

Tuần thứ 8-10: Tại thời điểm này bác sĩ sẽ kiểm tra tim thai, phôi thai và làm các xét nghiệm cơ bản như lần đầu tiên.

Tuần thứ 12-13: Đây là thời điểm chính xác nhất để sàng lọc dị tật thai nhi như: kiểm tra nguyên nhân bất thường gây bệnh Down, dị dạng bệnh tim… đây được đánh giá là thời điểm quan trọng nhất bà bầu 3 tháng đầu không được quên nhé!

2. Dấu hiệu bất thường thai nhi

Khoảng thời gian 3 tháng đầu mang thai rất dễ gây nguy hiểm đến thai nhi nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời từ bác sĩ thậm chí còn ảnh hưởng xấu nhất đến thai nhi. Vì vậy bà bầu 3 tháng đầu cần chú ý kỹ nhé:

2.1 Sốt cao

Việc sốt cao trên 38oC đối với bà bầu 3 tháng đầu thì cực kỳ nguy hiểm. Đây là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng- ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Trường hợp sốt cao kèm theo triệu chứng phát ban, đau khớp có thể là bà bầu bị nhiễm trùng parvovirus, toxoplasma. Những vi khuẩn này có thể gây bệnh điếc bẩm sinh do vậy bà bầu cần phải nhập viện để nhận được kiểm tra kịp thời từ bác sĩ.

2.2 Triệu chứng đau bụng

Đau bụng nhẹ trong vài ngày đầu là hiện tượng phổ biến của hầu hết các bà bầu. Tuy nhiên, việc đau bụng dữ dội kèm theo dấu hiệu co cứng, chảy máu âm đạo thì bà bầu hết sức thận trọng vì đây là triệu chứng cảnh báo nguy cơ sảy thai hoặc thai ngoài tử cung. Nếu thai ngoài tử cung thì bà bầu có cảm giác bụng đau như cắt, xé.

2.3 Chảy máu âm đạo

Khi mới mang thai, bà bầu sẽ thấy một vài đốm máu nhỏ trên đáy quần chip của mình, đây là dấu hiệu bình thường. Nhưng nếu gặp phải trường hợp máu chảy nhiều, màu đỏ tươi kèm theo cục máu đông thì bà bầu cần đi khám ngay vì nguy cơ sảy thai và thai ngoài tử cung rất cao.

2.4 Đau đầu dữ dội

Bà bầu 3 tháng đầu nếu gặp triệu chứng đau đầu triền miên trong vài ngày, ăn không ngon, ngủ không ngon giấc, bàn tay, mặt sưng húp lên có thể bà bầu mang dấu hiệu của chứng tiền sản giật. Bà bầu cần đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa.

2.5 Không còn dấu hiệu mang thai

Ngay từ khi có dấu hiệu mang thai bà bầu cảm thấy ngực căng cứng lên, mệt mỏi thường xuyên, ốm nghén… những dấu hiệu này đột ngột biến mất thì hãy đi khám ngay bởi vì đây là những biểu hiện của việc sảy thai.

3. Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bà bầu 3 tháng đầu

Việc cung cấp dinh dưỡng không chỉ cho bà bầu mà bất kỳ ai cũng đều dựa trên nguyên tắc khoa học. Tuỳ theo thể trạng mà chế độ của mỗi người khác nhau. Dinh dưỡng cần thiết cho con người nên đủ hơn là thiếu hay quá nhiều.

Bà bầu 3 tháng đầu cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, nguyên tắc hơn bởi vì đây là giai đoạn hình thành và phát triển toàn diện thai nhi. Do vậy, để đảm bảo chế độ dinh dưỡng an toàn thì bà bầu cần chú ý:

3.1 Nhóm thực phẩm chứa đạm

Đây là nhóm rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển của mô bào thai, ngoài ra giúp tăng trưởng mô vú và tử cung trong thai kỳ, tăng cường sản sinh máu đảm bảo sức khỏe cho bà bầu. 

Bà bầu chú ý ăn nhiều các thực phẩm như: trứng, thịt gà, cá,, thịt heo nạc, thịt bò…. cho cả 3 bữa ăn chính. Trong giai đoạn này, năng lượng cần cung cấp cho bà bầu trung bình 2300-2400 kcal/ngày. Lượng sắt bà bầu cần cung cấp 30-40 mg sắt mỗi ngày để phòng ngừa tình trạng thiếu máu, do vậy ngoài thực phẩm thịt bò, tim cật, hạt… bà bầu cần bổ sung viên uống sắt theo sự chỉ định của bác sĩ.

3.2 Nhóm thực phẩm chất béo

Chất béo có trong các loại hạt, đậu lăng rất cần thiết cho thai kỳ. Nó giúp phát triển mắt, thị lực và sự phát triển của nhau thai. Vì vậy, bà bầu cần bổ sung chất béo vào thực đơn hàng ngày như: 1 muỗng bơ, 1 muỗng dầu, phô mai…

Ngoài ra, thức ăn nhiều đường, dầu mỡ như: đồ chiên, đồ ăn nhanh… bà bầu cần tránh xa để đảm bảo sức khoẻ nhé.

3.3 Nhóm thực phẩm rau xanh lá, rau củ

Thực phẩm rau xanh như: ngũ cốc, súp lơ xanh, rau muống, cải xanh….cung cấp axit folic cho bà bầu giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh hay tật nứt đốt sống trong bào thai.

Ngoài ra, bà bầu có thể bổ sung viên uống axit folic theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

3.4 Nhóm thực phẩm giàu vitamin C, A, D

Gồm thực phẩm có màu vàng, đỏ, cá, trứng, cua, đậu đỗ, rau màu xanh thẫm, trái cây cam, bưởi….cung cấp nhiều nguồn vitamin khác nhau cho bà bầu, đồng thời là nguồn chính trong việc hình thành hệ xương của thai nhi. 

Bà bầu đừng quên tắm nắng vào mỗi sáng để tăng cường hấp thu vitamin D nhé.

3.5 Nước và thực phẩm sữa

Không chỉ riêng bà bầu mà mỗi người chúng ta đều cần cung cấp lượng nước khác nhau để giúp cho quá trình hấp thu chất dinh dưỡng và loại bỏ các độc tố ra bên ngoài. Đối với người bình thường thì cần khoảng 8 ly nước cho 1 ngày, đối với bà bầu có thể tăng lượng này lên 10-12 ly mỗi ngày. Ngoài ra, nước ép trái cây, sữa uống, nước canh rau cũng được tính chung vào lượng nước trên nhé.

3.6 Nhóm thực phẩm nên kiêng

Bà bầu 3 tháng đầu nên kiêng các loại rau ngót, rau chùm ngây, rau sống, rau sam….đây là nguồn rau luôn chứa tiềm ẩn vi khuẩn gây bệnh, các độc tố trong rau gây ảnh hưởng cho bà bầu thậm chí gây sảy thai, dị tật thai nhi.

Thực phẩm cay nóng, hải sản tươi sống, đồ ăn chế biến sẵn… bà bầu nên kiêng hoàn toàn bởi vì hầu hết các thực phẩm này đều chưa được tiệt trùng kỹ, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm rất cao điều này rất dễ gây nguy hiểm đến sức khỏe cho bà bầu và thai nhi. 

Các loại quả nóng như nhãn, đu đủ xanh, dứa….là những trái cây gây co thắt tử cung, nóng trong và táo bón cho bà bầu. Ngoài ra, các loại trái cây này ăn nhiều có thể gây sảy thai hoặc dẫn đến sinh non.

4. Chế độ sinh hoạt lành mạnh cho bà bầu 3 tháng đầu

Tâm lý là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và thai nhi nói riêng. Bà bầu 3 tháng đầu cần giữ cho mình một tâm trạng thoải mái, giảm căng thẳng tránh ảnh hưởng đến thai nhi… Bà bầu nên thay đổi thói quen sống cho phù hợp như:

4.1 Các hoạt động nặng, thể thao nên tránh

Ba tháng đầu do thai nhi chưa được bám chắc, dễ bị tổn thương do vậy bà bầu tránh các hoạt động, thể thao như: khiêng vác đồ nặng, chạy bộ, leo núi, nhảy dây, các môn thể thao nguy hiểm, các trò chơi mạo hiểm đu quay, tàu lượn siêu tốc… Thay vào đó bà bầu nên chọn cho mình các môn thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ nhẹ,....

Nên chú ý đi lại cẩn thận, tránh đi vào những khu vực trơn trượt dễ gây té ngã. Nên cân nhắc chọn cho mình những đôi giày đi phù hợp trong thời gian thai kỳ để đảm bảo an toàn hơn nhé.

4.2 Các chất có nồng độ cồn, chất kích thích, thuốc lá nên tránh

Bà bầu nên tránh xa các đồ uống như: cà phê, nước uống có gas, bia rượu, thuốc lá, các loại trà xanh… bởi vì đây là những thủ phạm gây ra nhiều vấn đề như sinh non, dị tật ống thần kinh, trẻ sinh ra nhẹ cân, chậm phát triển…

4.3 Các nơi có nguồn chất độc, nguy hiểm cao nên tránh

Môi trường làm việc có chứa chất độc như: thuốc trừ sâu, sản xuất phân bón…những nơi này luôn chứa những hàm lượng kim loại nặng cao điều này dễ gây cho bà bầu sảy thai, thai nhi bị khuyết tật.

Những nơi có nhiệt độ cao như phòng xông hơi, phòng tắm nước nóng bà bầu 3 tháng đầu nên hạn chế vì ở môi trường nhiệt độ cao thì nhiệt độ cơ thể bà bầu tăng cao có thể trên 38 độ C điều này làm tăng nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi, cơ thể bà bầu mất nước sau khi sinh.

5. Cân bằng tâm lý, cảm xúc cho bà bầu 3 tháng đầu

Khi mang thai các hormon trong cơ thể bà bầu thay đổi, điều này khiến cho bà bầu cảm thấy mệt mỏi, dễ xúc động, cộng thêm việc bà bầu thường ốm nghén, chán ăn hoặc ăn nhiều dẫn đến việc mất cân bằng dinh dưỡng làm cơ thể mệt mỏi, tâm lý bất ổn.

Vì vậy, bà bầu luôn giữ tinh thần lạc quan cho bản thân mình để không ảnh hưởng đến bé yêu bằng cách:

5.1 Đọc sách

Việc đọc sách vừa giúp cho bà bầu thư giãn vừa có thêm nhiều kiến thức hơn. Để có một thai kỳ khỏe mạnh và khoa học ngoài những kiến thức từ trang web bà bầu có thể tham khảo qua những cuốn sách: 

- Viết cho những bà mẹ sinh con đầu lòng 

- Bà mẹ và em bé

- Hướng dẫn bà bầu ăn uống đúng cách

5.2 Nghe nhạc

Ngay từ khi mang thai bà bầu nên chọn những bản nhạc nhẹ như: Nhạc lời ru, Mozart, Beethoven…giúp cho bà bầu thư giãn, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của thai nhi ngay từ trong bụng mẹ 

5.3 Nói chuyện với bé yêu

Việc trò chuyện với bé yêu, giao tiếp hàng ngày bà bầu cũng cần nên tham khảo. Thai giáo ngay từ những ngày đầu giúp cho thai nhi phát triển, thông minh ngay từ trong bụng mẹ.

Điều này có thể ngại ngùng đối với một số bà bầu tuy nhiên bà bầu cũng có thể chọn các hình thức khác như thủ thỉ với bé yêu, đọc truyện hay tâm tình vu vơ, âu yếm hay sờ lên bụng mẹ…. để bé yêu có thể cảm nhận được tình thương một cách toàn diện hơn.

5.4 Vai trò của người bố

Không chỉ bà bầu có khả năng thai giáo cho bé yêu mà cả người bố cũng góp phần quan trọng cho việc thai giáo. Cụ thể:

- Giúp bà bầu ổn định tâm lý hơn

- Kích thích tư duy của bé phát triển

- Tạo cho bé cảm nhận được sợi dây liên kết giữa mẹ và bố nhiều hơn.

6. Chuẩn bị tài chính trước khi sinh bé yêu

Giai đoạn 3 tháng đầu rất quan trọng, ngoài việc ăn uống khoa học, sinh hoạt hợp lý, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi thì bà bầu đừng quên tìm giải pháp về tài chính để an tâm trong suốt thời gian thai kỳ cho đến khi chào đón bé yêu nhé.

Trên đây là những điều cần lưu ý dành cho bà bầu 3 tháng đầu. Điều quan trọng hơn cả là bà bầu thường xuyên theo dõi, ghi chép vào sổ tay riêng của mình để khi gặp vấn đề bất thường thì cần có sự can thiệp kịp thời từ bác sĩ, tránh được những điều đáng tiếc không mong muốn xảy ra.

NEST HOLISIM - TRAO YẾN THẬT TẶNG GIÁ TRỊ THẬT

----------------------------

Liên hệ để được hỗ trợ tư vấn và đặt hàng tại

🌐 Website: Tổ Yến Chưng Sẵn Nest Holisim 

 

Zalo
Hotline